Chim Việt Cành Nam          [   Trở Về   ]         [ Trang chủ ]
 
Xin chào nỗi buồn, nửa thế kỷ sau

Vĩnh Đào

Ngày 6 tháng giêng năm 1954, một cô gái 18 tuổi rụt rè đẩy cửa nhà xuất bản Julliard tại Paris, trong khu Saint-Germain-des-Prés, để lại một tập bản thảo mỏng, ngoài tập bìa cứng viết mấy dòng bằng tay : "Françoise Quoirez, 167, boulevard Malesherbes, sinh ngày 21 tháng sáu, 1935", rồi vội vã bước đi.

Các nhà xuất bản lớn tại Paris mỗi tháng nhận được hàng chục, hàng trăm bản thảo của những tác giả vô danh, ôm mộng có một ngày may mắn được góp mặt trên văn đàn. Nhưng phần lớn các bản viết sẽ được hoàn lại khổ chủ kèm theo một bức thư mẫu cám ơn vắn tắt của nhà xuất bản. Đó là số phận thông thường của những tác phẩm đầu tay không bao giờ được in để ra mắt độc giả.

Sáng sớm hôm sau, vị giám đốc văn học của nhà xuất bản Julliard uể oải lướt qua như thường lệ các tập nhận được ngày hôm trước chất thành một chồng trên bàn giấy ông. Dở tập bản thảo mỏng, câu đầu tiên đập tức khắc vào mắt ông : "Trên tâm trạng khó hiểu mà nỗi chán chường, vị dịu ngọt làm tôi day dứt, tôi ngần ngại đặt vào đó cái tên đẹp và trang trọng là nỗi buồn [1] ". Một câu không kém phần sâu sắc, khó đoán biết là do một thiếu nữ mới lớn viết ra. Đọc tiếp vài chục trang tiếp theo, ông có cảm giác là mình đang khám phá được một tài năng mới; ông vội vàng trao quyển truyện cho một người đọc bản thảo khác của nhà xuất bản. Cuối cùng tập tiểu thuyết nhanh chóng được trình cho người quyết định cuối cùng là René Julliard, chủ nhà xuất bản. Ông này đọc luôn một mạch hết tập bản thảo, và cũng bị quyến rũ vì câu chuyện của một cô gái nhìn đời với một cặp mắt vừa tàn nhẫn, vừa ngây thơ, tuy cuộc đời còn đang tuổi dậy thì mà đã bị xâm chiếm bởi một nỗi chán chường miên man.

Ngày 25 tháng giêng, nhà xuất bản Julliard gởi điện tín đến địa chỉ tác giả và mời cô đến ký hợp đồng vào 5 giờ chiều ngay ngày hôm đó.

Không đầy hai tháng sau, ngày 15 tháng ba, quyển tiểu thuyết Bonjour tristesse ("Xin chào nỗi buồn"), một tập truyện mỏng, dày chưa tới 100 trang, ký tên Françoise Sagan, được ra mắt bày bán tại Paris. Ấn bản đầu tiên in 5 000 bản. Nhà xuất bản hy vọng bán được 10 000 quyển nếu khéo quảng cáo. Sự thành công vượt mức tưởng tượng, các kỳ tái bản nối tiếp nhau tới tấp. Đến mùa hè các nhà sách đã bán đến 100 000 bản. Cuối năm đó, số bán lên đến trên 800 000 quyển. Bonjour tristesse trở thành một hiện tượng, một ''best-seller'' đầu tiên của thời hậu chiến trên thị trường tiểu thuyết Pháp.

Françoise Quoirez sinh năm 1935 tại Cajarc, một thị trấn nhỏ thuộc tỉnh Lot, miền Tây-Nam nước Pháp. Sau chiến tranh, gia đình cô dọn về Paris, cư ngụ trên một con đường lịch sự là đại lộ Malesherbes. Françoise sống một cuộc đời sung túc nhờ người cha khá thành công trong lãnh vực kỹ nghệ, tích lũy được một tài sản đáng kể ngay từ những năm dưới chiến tranh. Cô bé quen một cuộc đời dễ dãi, thích bè bạn, xe hơi lộng lẫy, và cũng mang tật thích bỏ lớp đi chơi. Được gia đình ghi tên vào các trường tư dành cho con cái gia đình khá giả tại Paris, cô bị đuổi hết trường này đến trường khác vì tội trốn học. Françoise thích la cà ngoài đường, tự mở rộng kiến thức bằng cách gợi chuyện với mọi người, từ những người buôn bán đến những kẻ lang thang sống bên lề xã hội. Cô bắt đầu thử uống rượu, thích thuốc lá Mỹ và xe thể thao. Và cô đọc sách rất nhiều, một cách đam mê: Stendhal, Rimbaud, Proust, Gide, Camus và Sartre.

Cô cũng đậu được tú tài, nhờ môn sở trường là Pháp văn, với bài luận được điểm 17 trên 20. Cô ghi tên vào Đại học Sorbonne, nhưng thi hỏng kỳ thi cuối năm dự bị. Tuy nhiên điều này không quan trọng. Cô đã bắt đầu tập tành viết lách từ năm 12, 13 tuổi. Nay nàng dành sức vào một câu chuyện dài hơi hơn, đem lối nhìn đời lạnh lùng thản nhiên của mình lên trang giấy. Tiểu thuyết mang tên Bonjour tristesse chỉ có năm nhân vật chính.

Cécile, một cô bé sống những chuỗi ngày vô tư với cha là Raymond, tuổi ngoài 40, góa vợ từ 15 năm nay và đang có nhiều tình nhân. Mùa hè năm ấy, Cécile được 17 tuổi, cùng với cha và Elsa là người tình của ông trong lúc này, đi nghỉ hè tại Côte d'Azur, bờ biển miền Nam nước Pháp. Raymond cũng mời thêm Anne, là một người bạn cũ của vợ mình lúc trước. Anne muốn ép Cécile chăm chỉ học hành trở lại vì cô bé mới thi hỏng tú tài năm đó, và không tán thành mấy việc cô bé kết thân quá đáng với Cyril, một chàng sinh viên luật đang nghỉ hè trong vùng mà nàng mới quen. Raymond, người cha, bị quyến rũ bởi nhan sắc và tài năng của Anne nên lần lần rời xa Elsa để tiến đến Anne và tính lập lại cuộc đời với nàng.

Cécile ngại mình sẽ mất tự do, sợ một người đàn bà thông minh và khéo léo như Anne sẽ gây xáo trộn trong cuộc đời phóng túng và nhàn hạ của mình. Cô bèn thuyết phục bạn trai mình giả làm tình nhân của Elsa. Raymond ghen tức vì thấy người tình của mình dang díu với một người chỉ đáng tuổi con mình, ông quay trở về với Elsa. Anne tình cờ bắt gặp hai người, nàng chán chường lên xe bỏ đi, và sau đó chết trong một tai nạn xe hơi.

Cécile trở về Paris cùng cha, bỏ lại sau lưng người bạn trai Cyril, bỏ lại mùa hè và tuổi trẻ của mình. Nàng tiếp tục cuộc sống vô tư, nhưng nay nàng biết thêm một tâm trạng mới, đó là nỗi buồn: "Khi tôi nằm trong giường, lúc hừng sáng, giữa tiếng xe cộ trong Paris, nhiều lúc ký ức phản lại tôi: mùa hè trở về với tôi trong trí nhớ với tất cả những kỷ niệm cũ. Anne, Anne! Tôi lập lại khe khẽ rất lâu tên này trong bóng tối. Có một cái gì đó dâng lên trong tôi và tôi nhắm mắt lại, chào đón nó bằng chính tên của nó: Xin chào nỗi buồn."

Tựa quyển sách được trích từ mấy câu thơ của Paul Eluard:

"Adieu tristesse
Bonjour tristesse
Tu es inscrite dans les lignes du plafond
Tu es inscrite dans les yeux que j'aime
Tu n'es pas tout à fait la misère
Car les lèvres les plus pauvres te dénoncent
Par un sourire
Bonjour tristesse"

Viết xong, Françoise chờ thêm vài tuần. Biết tin một người quen là nữ đạo diễn Jacqueline Audry đang thực hiện một cuốn phim dựa trên kịch bản Huis clos của Jean-Paul Sartre tại phim trường Boulogne-Billancourt, nàng đến tận nơi trao tập bản thảo cho Jacqueline Audry để xin ý kiến. Jacqueline Audry trao lại cho người em tên Colette đang làm việc trong ban biên tập tạp chí Les Temps Modernes. Bà này khuyên Françoise nên đưa tác phẩm cho các nhà xuất bản Julliard và Plon. Françoise nghe theo lời khuyên, tức khắc đem bản thảo đến cả hai nhà xuất bản trong cùng một ngày.

Nhà xuất bản Plon chờ đến ba tuần mới trả lời, trong khi đó nhà Julliard nhanh tay hơn, chỉ 18 ngày sau đã mời nữ tác giả trẻ đến ký hợp đồng. Françoise Quoirez chưa được 19 tuổi, trong khi tuổi trưởng thành lúc đó là 21 tuổi, nên cần sự chấp thuận của cha mẹ mới ký được hợp đồng. Vì tên Quoirez được biết khá nhiều trong giới thượng lưu kinh thành ánh sáng nên cha cô yêu cầu Françoise chọn một bút hiệu để tên tuổi gia đình không bị dính líu đến một tác phẩm mà ông cho là có thể xếp vào hạng văn chương táo bạo. Françoise giở bộ tiểu thuyết A la recherche du temps perdu của Marcel Proust, chọn tên nhân vật Hélie de Talleyrand-Périgord, tức hoàng thân Sagan, làm bút hiệu.

Mùa xuân 1954, quyển Bonjour tristesse ra mắt độc giả, dưới bút hiệu Françoise Sagan. Ngày 3 tháng 8 năm đó, nữ văn hào Colette qua đời, nhưng một ngôi sao mới mang tên Françoise Sagan đã bắt đầu chói sáng trên bầu trời văn học Pháp.

Năm 1954, thế chiến thứ hai mới chấm dứt có chín năm trước đó, nước Pháp đang tận hưởng những năm thanh bình, bắt đầu biết được một đời sống sung túc sau những năm thiếu thốn vì chiến tranh. Tháng 3 năm đó, trận chiến Điện Biên Phủ mở màn và sẽ kết thúc hai tháng sau, vào tháng 5-1954. Tin chiến bại làm cho dân Pháp bàng hoàng, nhưng Đông Dương quá xa xôi, người dân muốn không có gì khuấy động một cuộc sống tự do và thanh bình mới tìm thấy lại. Mọi người nhanh chóng quên lãng tiếng đại bác vừa mới tắt trong lòng chảo Điện Biên Phủ, để cho qua đi một thời kỳ lịch sử sắp tàn lụi. Tuổi trẻ muốn sống một cuộc đời mới, tháo bỏ mọi trói buộc, bất chấp những gò bó của đạo đức và luân lý.

Sự thành công của quyển Bonjour tristesse làm nảy sinh những tin đồn đãi quanh tập truyện. Khắp Paris có tiếng thì thầm rằng một thiếu nữ con nhà lành che dấu danh tính dưới một bút hiệu, là tác giả của một quyển sách phi luân trong đó nhân vật chính là một cô gái táo bạo, chỉ biết tìm thú vui nhục dục, kể chuyện một cách thản nhiên việc mình mất trinh tiết trên bãi biển trong một mùa hè... Những lời đồn đãi có tính cách khuếch đại và bóp méo chỉ làm tăng lòng tò mò, khiến cho quyển tiểu thuyết càng bán chạy hơn. Dưới mắt một số báo chí bình dân, Françoise Sagan trở thành thần tượng của một tuổi trẻ bất cần đời, dùng rượu whisky để lấp đầy khoảng trống của cuộc sống.

Nhưng quyển Bonjour tristesse có một giá trị văn chương hiển nhiên. Ngày 24 tháng năm 1954, ban giám khảo "Giải thưởng các nhà phê bình" -- một giải thưởng văn học có uy tín bậc nhất thời đó -- quyết định trao giải thưởng năm đó cho quyển Bonjour tristesse. Một tuần sau, văn hào François Mauriac, giải thưởng Nobel văn chương và thành viên Viện Hàn Lâm Pháp, viết báo chỉ trích việc trao giải thưởng cho một tác phẩm đề cao những tình cảm quá phóng túng của một nhân vật nữ còn trong tuổi dậy thì, dấu hiệu bệnh hoạn của một thời đại đã quá nhiều nhiễu loạn. Tuy ông không chối cãi giá trị văn chương của quyển sách, mà theo ông được bộc lộ ngay từ trang thứ nhất, nhưng ông tỏ ý tiếc là ban giám khảo đã không trao giải thưởng cho một tác phẩm khác, biểu lộ được "đời sống tinh thần" của nước Pháp. Văn hào không thèm nêu tên tác giả cũng như tên tác phẩm được giải, chỉ phàn nàn là ban giám khảo đã trao tặng giải thưởng cho "con quỷ nhỏ duyên dáng" mới 18 tuổi (ce charmant petit monstre). Lời lên án của một cổ thụ trong nền văn học Pháp gây một tiếng vang rất lớn, nhưng lại có hậu quả là làm cho danh tiếng Françoise Sagan càng nổi lên như cồn.

Tiếng tăm quyển Bonjour tristesse nhanh chóng vượt khỏi biên giới Pháp và lan khắp thế giới. Trong vòng một năm, quyển sách đã được dịch ra hơn 20 thứ tiếng. Tháng 2 năm 1955, quyển sách được xuất bản tại Hoa Kỳ với tựa tiếng Pháp của nguyên bản. Lần in đầu tiên là 10 000 bản. Trong vòng chưa đầy một năm, số lượng bán lên đến một triệu quyển. Các hãng phim tại Hollywood tranh nhau mua bản quyền quyển tiểu thuyết. Ray Ventura mua được tác quyền với giá 3,5 triệu quan Pháp và bán lại cho hãng Metro-Goldwyn-Mayer với giá 60 triệu. Cuối cùng cuốn phim được Otto Preminger thực hiện trong năm 1957 với Deborah Kerr, David Niven và Jean Seberg trong vai Cécile.

Françoise Sagan chưa được 20 tuổi đã có trong tay một tài sản khổng lồ. Khi cô bắt đầu nhận những khoản tác quyền đầu tiên, cô hỏi ý kiến của cha. Ông trả lời một cách rất thản nhiên: "Từng ấy tiền ở tuổi con rất nguy hiểm. Hãy tìm cách tiêu xài hết cho nhanh lên!". Nàng mua một chiếc Jaguar, giấc mộng của năm xưa, phóng xe như bay trên đường phố Paris, tự gây ra tai nạn đầu tiên. Chiếc xe Jaguar tông vào một chiếc xe bus và cuối cùng húc vào cột đèn. Françoise Sagan không chết như Camus mà thoát nạn sau một thời gian ngắn nằm bệnh viện. Chiếc Jaguar bị hư hại hoàn toàn, cô mua một chiếc Aston Martin mới và huyền thoại Sagan tiếp tục.

Năm 1956, Françoise Sagan cho ra đời tác phẩm thứ hai, Un certain sourire, năm sau đó là Dans un mois, dans un an, rồi Aimez-vous Brahms? Trong thế giới của Sagan vẫn là những mối tình thoạt đến, thoạt đi, nỗi chán chường trong một xã hội thanh lịch, những đêm không ngủ chìm trong khói thuốc và rượu nồng, một tuổi trẻ bước vào cuộc đời người lớn quá sớm, với các ảo vọng đã tan biến, đầy những luyến tiếc và buồn tênh.

Vĩnh Đào
__________

[1] - Sur ce sentiment inconnu dont l'ennui, la douceur m'obsèdent, j'hésite à apposer le nom, le beau nom grave de tristesse.



Trở Về   ]